9 tháng đầu năm 2015 thị trường tiền tệ trải qua hai lần biến động về tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Trong đó, lần biến động thứ hai (tháng 8/2015) khiến giá đô la Mỹ trên thị trường vượt 22.000 VNĐ/USD, tiến đến mức 22.500 VNĐ/USD. Sau trạng thái mới được thiết lập này, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng lớn. Vậy lý do của việc này là gì?
Thông qua tỷ giá, nhà nước tác động đến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và cán cân thương mại quốc tế.
- Cán cân thương mại quốc tế (còn được gọi là xuất khẩu ròng hoặc thặng dư thương mại): ghi lại những thay đổi trong xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định (quý hoặc năm) cũng như mức chênh lệch giữa chúng (xuất khẩu trừ đi nhập khẩu).
- Cán cân thanh toán quốc tế là một bản tổng hợp phản ánh tình trạng thu chi bằng ngoại tệ của một quốc gia với phần còn lại của thế giới trong một khoảng thời gian nhất định thường là một năm.
Khi đồng tiền nội tệ mất giá (tỷ giá tăng) thì giá cả hàng xuất khẩu của quốc gia đó trở nên rẻ hơn, sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường quốc tế sẽ được nâng cao. Chẳng hạn, 1 lô hàng xuất khẩu trị giá 16.000 triệu VND. Thời điểm 1/2006 tỷ giá trên thị trường USD/VND là 16.000 thì lô hàng này được bán trên thị trường quốc tế với giá 1 triệu USD. Thời điểm 12/2006 tỷ giá USD/VND 17.000 thì lô hàng này được bán với giá 16.000/17.000= 0,941 triệu USD, rẻ hơn ban đầu. Khi ấy, mức cầu mở rộng và khối lượng hàng hoá xuất khẩu sẽ gia tăng. Trong khi đó, giá hàng nhập khẩu từ nước ngoài trở nên đắt hơn, do đó hạn chế nhập khẩu. Như vậy, sự tăng lên của tỷ giá làm nền kinh tế thu được nhiều ngoại tệ, cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện.
Ngược lại, nếu giá của đồng nội tệ tăng lên so với đồng ngoại tệ (tỷ giá hối đoái giảm) sẽ làm cho xuất khẩu giảm đi, nhập khẩu tăng lên và cán cân thanh toán trở nên xấu hơn.
Tuy nhiên, khi xem xét tác động của tỷ giá đến sự thay đổi hoạt động thương mại quốc tế và cán cân thanh toán cần lưu ý rằng hiệu ứng này không thể xảy ra ngay mà phải trải qua một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian đó là thời gian thích ứng đối với việc thay đổi giá cả hàng hoá của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong thời gian đầu, cán cân thanh toán có thể bị giảm đi, sau đó mới đạt trạng thái cải thiện dần.
Một điều cũng cần chú ý là việc phá giá đồng tiện nội tệ (tỷ giá tăng) chỉ là một trong những biện pháp cải thiện tình hình xuất khẩu. Khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu trong nước thường dựa vào đó để "té nước theo mưa" tăng giá nguyên liệu cao hơn tốc độ tăng tỷ giá. Trong khi đó sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp chưa thể tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ còn yếu và cạnh tranh khắc nghiệt với hàng giá rẻ của Trung Quốc. Hơn nữa các doanh nghiệp trong nước chỉ quan tâm đến xuất khẩu hàng hoa ra nước ngoài mà bỏ qua thị trường nội địa.
Tóm lại, tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Khi điều chỉnh tỷ giá hối đoái để thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội, Nhà nước phải xem xét nhiều mặt, tính toán đến nhiều tác động khác nhau, trái chiều nhau của tỷ giá.
(Tổng hợp lại từ Internet)